Để có một cái tết trọn vẹn mọi người cần lưu ý và trang bị những kiến thức phòng tránh và cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm.
Nguyên nhân gây ra

- Ăn phải những loại thực phẩm có chứa vi sinh vật (bao gồm vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc, nấm men).
- Ăn phải thực phẩm bị ôi thiu, biến chất.
- Sử dụng thực phẩm nhiễm các chất hóa học, kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phụ gia thực phẩm, phẩm màu công nghiệp, chất phóng xạ, rượu có methanol..
- Sử dụng thực phẩm có chứa sẵn chất độc (cá nóc, cóc, mật cá trắm, nấm độc, rau quả độc, khoai tây mọc mầm..).
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Theo BS.CKII Nguyễn Văn Xứng, trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đà Nẵng, một số triệu chứng nhẹ của ngộ độc thực phẩm:
- Đau bụng quằn quại, nôn, tiêu chảy.
- Khát nước, khô môi, sốt, vã mồ hôi.

Một số triệu chứng bệnh trở nặng hơn:
- Rối loạn thần kinh: nhìn mờ hay đôi, nói khó, giọng nói ngọng, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt.
- Rối loạn tim mạch: Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.
- Có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân, tiểu ít, ngoài bụng còn đau một số bộ phận khác như ngực, cổ, hàm, họng…
Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm
Người bị mắc ngộ độc thực phẩm thường sẽ hay nôn. Để hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi. Lưu ý, không nên gây nôn đối với người bị hôn mê hoặc trẻ nhỏ vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
.jpg)
Cho người bệnh uống thật nhiều nước như nước lọc, dung dịch oresol. Không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy vì làm chậm việc đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể.
Lưu ý, nếu như người bệnh ngưng tim, ngưng thở cần cấp cứu tức thời bằng cách hà hơi thổi ngạt và ấn tim. Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được theo dõi. Lưu ý giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc.
Trường hợp có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm cần thông báo đến cơ sở y tế gần để các cơ sở y tế có thể kịp thời chuẩn bị, hỗ trợ những người bệnh bị ngộ độc thực phẩm xảy ra hàng loạt.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết

- Lựa chọn những thực phẩm an toàn có thương hiệu uy tín, đáng tin cậy. Thói quen của người dân khi dịp Tết thường sẽ mua dự trữ rất nhiều thực phẩm, tuy nhiên, nếu như không bảo quản tốt sẽ gây ngộ độc. Nên mua số lượng vừa đủ cho gia đình và nên bảo quản tốt thực phẩm.
- Luôn ăn chín uống sôi trước khi sử dụng, ngoài ra trước khi ăn các loại rau quả nên rửa kỹ nhiều lần dưới vòi nước chảy.
- Hạn chế chế biến ăn sống đối với các loại thịt, hải sản, rau xanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng, giun sán.
- Trước khi tiếp xúc với thực phẩm cần nên rửa tay sạch. Kể cả trong quá trình chế biến và sau chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống.
- Tránh ăn uống ở những nơi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những quán ăn bụi bẩn, ẩm thấp,…Nên ăn tại nhà hoặc chọn những nơi sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh.
Thông thường, ngộ độc thực phẩm triệu chứng cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc trong vòng 1-2 ngày sau khi nhiễm độc từ thức ăn. Nếu ở dạng nặng có thể dẫn đến tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần ăn tết của mọi người. Vì vậy, mọi người cần tự trang bị kiến thức cần thiết để sơ cứu cho bản thân hay người thân khi bị ngộ độc thực phẩm.
BÌNH LUẬN
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để được tham gia bình luận!