BỆNH VIỆN 24H

Cảnh giác: Ảnh hưởng của tiểu đường đến bàn chân

Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường có thể tác động lên nhiều bộ phận của cơ thể, trong đó biến chứng bàn chân rất phổ biến và có mức độ nguy hiểm cao.

Theo thống kê, gần 10% người mắc bệnh tiểu đường bị biến chứng thần kinh tiểu đường dẫn đến mất cảm giác đau hay cảm nhận nóng – lạnh ở bàn chân. Theo đó, họ có thể không nhận biết được vết loét hoặc vết cắt trên bàn chân để xử trí, vì vậy dẫn đến nhiễm trùng... Trường hợp nặng sẽ phải cắt cụt chân.

Một số ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến chân

Nhiễm nấm kẽ chân

Đó là tình trạng nứt da, chân ngứa đỏ do vi trùng xâm nhập vào các vết nứt trên da gây nhiễm trùng, để điều trị người bệnh phải dùng thuốc kháng nấm.

Nhiễm nấm móng

Móng bị nhiễm nấm có thể chuyển sang màu vàng, dày, giòn và dễ gãy. Thậm chí móng cũng có thể tách rời ra khỏi phần thịt. Nhiễm nấm móng rất khó trị. Trong một số trường hợp việc điều trị cần phải cắt bỏ mô móng bị nấm.

Phồng rộp da

Phồng rộp da cũng là một trong những ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến bàn chân, nguyên nhân do mang giày không phù hợp, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Tương tự vết chai, người bệnh cần nhớ không nên cắt bỏ lớp da bị phồng rộp ngay lập tức, vì chúng giúp bảo vệ phần bị tổn thương khỏi bị nhiễm trùng.

Chứng vẹo ngón chân cái

Tình trạng này thường xuất hiện tại mắt cá ngón chân cái, với dấu hiệu sưng tấy, đỏ và đau khi vận động. Vẹo ngón chân cái có thể xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 bên bàn chân, nguyên nhân do mang giày dép cao gót hoặc mũi giày nhọn bó chặt các ngón chân, làm biến dạng xương ngón cái.

Vết chai

Thường gặp ở lớp da dưới lòng bàn chân, đặc biệt dưới ngón chân cái hoặc gót chân. Cách xử lý vết chai là khi tắm, người bệnh nhẹ nhàng chà xát lên chân để loại bỏ cũng như sử dụng thêm lót giày để phòng tránh. Tuyệt đối KHÔNG cố gắng cắt bỏ hoặc đâm bằng vật sắc nhọn sẽ gây thương tích nặng hơn.

Loét chân

Loét chân thường xảy ra ở mu bàn chân và ngón cái. Đây là một trong những ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến bàn chân ở mức độ nguy hiểm, bởi vết thương thường có thời gian lành chậm hoặc không thể lành ở người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, người bệnh cần đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm và điều trị nhằm giảm nguy cơ biến chứng.

Tuần hoàn kém

Điều này khiến lưu lượng máu tuần hoàn qua chân bị giảm vì vậy ảnh hưởng đến khả năng chống nhiễm trùng và tự chữa lành của bàn chân. Bệnh tiểu đường gây ra hiện tượng mạch máu co, hẹp và cứng lại.

Phòng tránh các ảnh hưởng của bệnh tiểu đường

  • Tuân thủ lời khuyên từ bác sĩ khi nhận thấy những biến chứng của bệnh tiểu đường ở chân
  • Rửa tay chân bằng nước ấm mỗi ngày
  • Kiểm tra bàn chân mỗi ngày để tìm những dấu hiệu của vết loét, mụn nước, đỏ, vết chai, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác
  • Thoa kem dưỡng da nếu chân bị khô
  • Cắt móng tay, móng chân sạch sẽ, gọn gàng
  • Mang tất (vớ) nếu có thể
  • Xoa bóp chân để máu được lưu thông đầy đủ đến chân
  • Không hút thuốc
  • Thường xuyên đến bác sĩ để kiểm tra những bất thường ở bàn chân để xử lý và điều trị kịp thời những ảnh hưởng của bệnh tiểu đường.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để được tham gia bình luận!