Bệnh Whitmore là gì?
Bệnh Whitmore là bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Bác sĩ Alfred Whitmore là người mô tả đầu tiên vào năm 1911 khi nghiên cứu một trường hợp bệnh ở Rangun, Myanma. Theo thông tin của Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới, nhiều báo cáo sau đó cho thấy bệnh hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới ở cả người và động vật, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Úc và Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Vi khuẩn cũng phân lập được ở các động vật mắc bệnh như mèo (1928), chó (1925), ngựa, bò (1930), động vật gặm nhấm và nhiều loại động vật khác.

Người nhiễm bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40-60%. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần phát bệnh. Cách suy nghĩ về bệnh “ăn thịt người” phải được hiểu đúng là do vi khuẩn có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, ở da thì viêm loét hay áp xe, ở phổi có thể gây viêm phổi, trong máu gây nhiễm trùng máu...(thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố).
Dấu hiệu nhận biết
Người mắc bệnh Whitmore thường có dấu hiệu sốt cao, đau dạ dày, đau ngực, viêm mang tai (rất giống quai bị), đau cơ khớp, đau đầu và co giật.
Bệnh lý biểu hiện ở các vị trí khác nhau nên các dấu hiệu và triệu chứng cũng khác nhau:
- Nhiễm trùng phổi: Tác động của nhiễm trùng phổi có thể từ viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng với các triệu chứng như sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ.
- Nhiễm trùng cục bộ: đau hoặc sưng ở một vùng (khu trú) như tuyến mang tai, nơi thường liên quan với quai bị và nằm bên dưới và phía trước tai.
- Nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) với các dấu hiệu đau hoặc sưng, loét và áp xe, kèm theo sốt và đau cơ.
- Nhiễm trùng máu: Nếu vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào máu sẽ gây nên tình trạng nhiễm trùng máu với các triệu chứng gồm: sốt cao rét run, đau đầu, đau họng, khó thở, đau vùng bụng trên, tiêu chảy, đau khớp và đau cơ, vết loét có mủ trên da.
- Nhiễm trùng lan tỏa: Vết loét hình thành ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể, sụt cân, đau đầu, co giật, đau ở các bộ phận khác nhau (ngực, dạ dày, cơ, khớp).
Nguyên nhân gây bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore
Đa số các ca nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore thường do các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Hít phải bụi bẩn hoặc nước mưa có chứa vi khuẩn “ăn thịt người”.
- Vết trầy xước trên da khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, chứa hóa chất, chất thải, chủ yếu tại các vùng ao hồ, đầm lầy, đồng ruộng.

Hiếm khi lây truyền từ người sang người, hoặc từ động vật sang người qua đường không khí, vì vậy bệnh không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.
Biện pháp phòng bệnh
- Cần vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, làm ruộng và trước khi ăn
- Ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ các loài động vật, gia súc bị ốm chết.
- Hạn chế tiếp xúc gần với đất, nước bẩn, đặc biệt những nơi bị ô nhiễm nặng, đặc biệt không tắm, chơi ở nơi nước bị ô nhiễm.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, hay tiếp xúc với đất và nước bẩn.
- Khi có những vết thương hở cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm
- Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch.. cần chăm sóc, bảo vệ các vết thương ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
.jpg)
Bệnh Whitmore hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, nhưng vẫn có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu. Ngoài kháng sinh, người bệnh cần phải được điều trị các biến chứng và điều trị tốt các bệnh nền có sẵn. Khi nghi ngờ có bệnh cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời.
BÌNH LUẬN
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để được tham gia bình luận!