Giao tiếp về chăm sóc người bệnh ung thư
Giao tiếp tốt giữa bệnh nhân ung thư, người chăm bệnh trong gia đình và đội ngũ y tế giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Không thể gục ngã trước ung thư tuyến giáp
- Khóa "công tắc gien" để ung thư ngưng phát triển
- Aspirin giúp giảm ung thư vú ở bệnh nhân đái tháo đường
- Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung
- Hóa trị vẫn là phương pháp điều trị ung thư hiệu quả
- Có thuốc điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn tiến triển
- Sử dụng công nghệ đông lạnh trong điều trị ung thư vú
- Ung thư thanh quản: Định nghĩa và nguyên nhân
Giao tiếp về chăm sóc người bệnh ung thư
Giao tiếp tốt giữa bệnh nhân, người thân và nhân viên y tế là rất quan trọng
Giao tiếp tốt giữa bệnh nhân ung thư, người chăm bệnh trong gia đình và đội ngũ y tế giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trao đổi về các mối quan tâm và đưa ra quyết định với đồng thuận chung là rất quan trọng trong tất cả các giai đoạn điều trị và chăm sóc hỗ trợ cho bệnh ung thư.
Các mục tiêu của giao tiếp tốt trong chăm sóc bệnh ung thư là:
- Xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa bệnh nhân, người thân và đội ngũ y tế
- Giúp bệnh nhân, người chăm bệnh và đội ngũ y tế chia sẻ thông tin với nhau
- Giúp bệnh nhân và gia đình nói lên cảm xúc và mối quan tâm của mình
Bệnh nhân ung thư có nhu cầu giao tiếp đặc biệt
Bệnh nhân, gia đình và đội ngũ y tế phải đối mặt với nhiều vấn đề khi người bệnh nhận chẩn đoán ung thư.
Mặc dù những tiến bộ trong điều trị đã tăng cơ hội chữa khỏi hoặc giúp bệnh thuyên giảm, ung thư vẫn là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân ung thư có thể cảm thấy sợ hãi và lo lắng về các phương pháp điều trị vì quá trình điều trị thường dài lâu, phức tạp, tốn kém và khó khăn. Vì vậy, việc đưa ra quyết định về chăm sóc cho bệnh nhân có thể rất khó khăn. Giao tiếp tốt có thể giúp bệnh nhân, gia đình và bác sĩ cùng nhau đưa ra những quyết định và cải thiện sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các nghiên cứu cho thấy rằng khi bệnh nhân và bác sĩ giao tiếp tốt trong quá trình chăm sóc, bệnh nhân sẽ nhận được nhiều kết quả tích cực:
- Hài lòng hơn với nội dung chăm sóc và cảm thấy có thể kiểm soát tình hình
- Tăng khả năng hoàn thành quá trình điều trị
- Hiểu rõ và đầy đủ hơn về bệnh tình
- Thêm cơ hội tham gia thử nghiệm lâm sàng (nhất là ở nước ngoài)
- Thích nghi tốt hơn khi chuyển từ điều trị tấn công ung thư sang chăm sóc giảm nhẹ hoàn toàn
Một số bệnh nhân và gia đình muốn có nhiều thông tin và ra quyết định về việc chăm sóc
Bệnh nhân và gia đình nên cho đội ngũ y tế biết mình muốn biết các thông tin về ung thư và cách điều trị ung thư chi tiết, cụ thể như thế nào. Một số người muốn có nhiều thông tin càng chi tiết càng tốt, trong khi đó có người lại muốn biết ít hơn. Ngoài ra, nhu cầu về thông tin có thể thay đổi khi bệnh nhân qua các giai đoạn chẩn đoán và điều trị. Một số bệnh nhân ở giai đoạn nặng muốn có ít thông tin hơn về tình trạng của họ.
Mức độ tham gia của bệnh nhân và gia đình trong việc đưa ra các quyết định về điều trị và chăm sóc bệnh ung thư cũng có thể khác nhau. Một số người muốn tham gia và tự ra quyết định về việc chăm sóc. Tuy nhiên, có những người lại muốn để cho bác sĩ toàn quyền quyết định.
Giao tiếp là quan trọng ở các điểm khác nhau trong quá trình chăm sóc bệnh ung thư
Giao tiếp là quan trọng trong suốt quá trình chăm sóc bệnh ung thư, nhưng đặc biệt là khi phải đưa ra các quyết định quan trọng. Những thời điểm quyết định quan trọng này bao gồm:
- Khi bệnh nhận chẩn đoán lần đầu
- Khi cần đưa ra quyết định về điều trị
- Trao đổi về hiệu quả thực tế sau khi điều trị bắt đầu
- Khi có thay đổi về mục tiêu chăm sóc
- Khi bệnh nhân chia sẻ mong muốn của mình, dưới dạng chỉ thị cho tương lai (advance directives), hoặc di chúc (living will)
Các cuộc thảo luận cuối đời với đội ngũ y tế giúp giảm các thủ thuật y tế không cần thiết và tăng chất lượng cuộc sống
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân ung thư thảo luận về giai đoạn cuối đời với bác sĩ của họ thường chọn thực hiện ít thủ thuật hơn, chẳng hạn như hồi sức tim phổi hoặc sử dụng máy thở. Họ cũng ít nhận chăm sóc đặc biệt (ví dụ nhập vào khoa ICU) hơn và giảm chi phí y tế trong tuần cuối đời. Báo cáo từ những người chăm sóc cho thấy những bệnh nhân này sống lâu như những người chọn làm nhiều thủ thuật xâm lấn nhưng lại có chất lượng sống tốt hơn trong những ngày cuối cùng.
Vai trò của người chăm bệnh
Người thân trong gia đình cũng là đối tác cần giao tiếp y tế
Gia đình có thể giúp bệnh nhân ra quyết định tốt hơn về các lựa chọn trong chăm sóc ung thư. Bệnh nhân và người thân của họ có thể phối hợp để trao đổi với bác sĩ và đội ngũ y tế. Ở nhiều nước, bệnh nhân là chủ thể của điều trị và thường quyết định mức độ giúp đỡ mà họ mong muốn từ các thành viên trong gia đình. Đối với nhiều nước Châu Á, người thân đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới hỗ trợ cho người bệnh và thường tham gia vào quá trình ra quyết định. Sự trao đổi giữa người thân trong gia đình và đội ngũ y tế cần kéo dài trong suốt quá trình điều trị, bao gồm chia sẻ về mục tiêu điều trị, kế hoạch chăm sóc bệnh nhân, và những gì sẽ xảy ra trong thời gian chăm sóc.
Giao tiếp với bác sĩ giúp ích cho người thân cũng như bệnh nhân
Giao tiếp bao gồm bệnh nhân và gia đình được gọi là giao tiếp trọng tâm gia đình. Giao tiếp trọng tâm gia đình cùng với bác sĩ giúp người nhà hiểu được vai trò của mình trong việc chăm sóc. Những người chăm bệnh nhận được hướng dẫn cụ thể và thiết thực từ bác sĩ sẽ tự tin hơn trong việc chăm sóc. Khi người chăm bệnh nhận được sự giúp đỡ này, chất lượng chăm sóc bệnh nhân cũng trở nên tốt hơn.
Ngôn ngữ và văn hóa có thể ảnh hưởng đến hình thức và hiệu quả giao tiếp
Giao tiếp có thể khó khăn hơn nếu bác sĩ không nói cùng ngôn ngữ với bệnh nhân và gia đình, hoặc khi có sự khác biệt về văn hóa. Bệnh nhân ung thư có quyền được biết rõ thông tin về chẩn đoán và cách điều trị để có thể tham gia vào quá trình quyết định. Việc giải thích về ung thư để bệnh nhân hiểu là rất quan trọng. Khi bệnh nhân có vấn đề về ngôn ngữ, một số trung tâm y tế có thể bố trí thông dịch viên hoặc giới thiệu dịch vụ chuyên nghiệp để trợ giúp về thông dịch (còn ít tại Việt Nam).
Nếu tín ngưỡng và văn hóa của bạn có thể ảnh hưởng đến các quyết định về điều trị và chăm sóc (ví dụ: bạn không muốn truyền máu), hãy cho bác sĩ biết về điều này.
Có thể gặp một số vấn đề trong giao tiếp
Có nhiều vấn đề có thể xảy ra và ảnh hưởng đến giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ. Điều này có thể xảy ra nếu:
- Bệnh nhân không hoàn toàn hiểu tất cả các thông tin về kế hoạch điều trị
- Thông tin y tế không được cung cấp theo cách mà bệnh nhân có thể hiểu
- Bệnh nhân nghĩ rằng bác sĩ sẽ cho họ biết những thông tin quan trọng về điều trị và vì vậy không đặt thêm câu hỏi
- Bệnh nhân sợ mình đặt ra quá nhiều câu hỏi
- Bệnh nhân sợ mất quá nhiều thời gian của bác sĩ và không đặt câu hỏi
- Người thân có thể giúp bệnh nhân khi thấy họ gặp khó khăn trong giao tiếp với bác sĩ.
- Vai trò của Cha mẹ khi có trẻ mắc ung thư
Trẻ em bị ung thư cần thông tin phù hợp với lứa tuổi của mình
Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em mắc bệnh ung thư muốn biết về bệnh của mình và cách điều trị bệnh. Lượng thông tin mà một đứa trẻ muốn một phần phụ thuộc vào độ tuổi của chúng. Hầu hết các em đều lo lắng không biết bệnh và cách điều trị sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mình và những người xung quanh như thế nào. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em ít nghi ngờ và sợ hãi hơn khi biết thông tin về bệnh của mình, ngay cả khi đó là tin xấu.
Có nhiều cách để cha mẹ giao tiếp với con mình
Khi trẻ ốm nặng, cha mẹ có thể thấy giao tiếp được cải thiện khi họ:
- Trao đổi với bác sĩ khi bắt đầu chăm sóc bệnh ung thư về cách giao tiếp cởi mở với con họ và các thành viên trong gia đình. Cha mẹ nên thảo luận về cảm nghĩ của gia đình khi chia sẻ thông tin y tế với con họ, và chia sẻ những mối quan tâm mà họ có.
- Nói chuyện với con của họ và chia sẻ thông tin trong suốt thời gian bị bệnh.
- Tìm hiểu những gì trẻ biết và muốn biết thêm về căn bệnh này. Điều này sẽ giúp làm sáng tỏ những nhầm lẫn mà trẻ có thể có.
- Giải thích thông tin y tế phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của trẻ.
- Nhạy cảm với cảm xúc và phản ứng của trẻ.
- Khuyến khích trẻ bằng cách hứa rằng họ sẽ ở đó để lắng nghe và bảo vệ trẻ.
Trao đổi với Nhóm chăm sóc sức khỏe
Những điều nên chuẩn bị trước các cuộc hẹn khám bác sĩ
Sẽ rất hữu ích cho bệnh nhân và người thân khi lên kế hoạch trước khi gặp bác sĩ. Vì thời gian gặp bác sĩ thường rất ngắn, những điều sau đây có thể giúp bạn tận dụng tối đa các buổi hẹn này:
- Giữ một tập hồ sơ hoặc sổ ghi chép thông tin y tế của bệnh nhân bao gồm ngày xét nghiệm và thủ thuật, kết quả xét nghiệm và các hồ sơ khác. Mang theo hồ sơ này khi đến buổi hẹn khám bệnh.
- Giữ một danh sách tên và cách dùng các loại thuốc đang sử dụng. Hãy mang theo và cập nhật danh sách này.
- Chỉ sử dụng các nguồn đáng tin cậy, chẳng hạn như các trang web của chính phủ, bệnh viện và các tổ chức có uy tín về ung thư khi tìm hiểu về căn bệnh. Bạn có thể mang theo thông tin trên website này để thảo luận với bác sĩ.
- Lập danh sách các câu hỏi và lo lắng mà bạn có. Ưu tiên hỏi bác sĩ những câu quan trọng nhất đối với bạn.
- Nếu bạn có nhiều điều cần thảo luận với bác sĩ, hãy hỏi xem bạn có thể: lên lịch cho một cuộc hẹn dài hơn; đặt câu hỏi qua điện thoại hoặc email; nói chuyện với điều dưỡng hoặc thành viên khác của nhóm chăm sóc, những người này cũng đóng vai trò quan trọng và có thể chia sẻ thông tin với bạn.
- Mang theo máy ghi âm hoặc ghi chép để sau này có thể nghe hoặc xem lại những gì bạn đã thảo luận (hỏi ý bác sĩ trước).
- Bạn có thể đi cùng người thân hoặc bạn bè để họ giúp bạn ghi lại thông tin quan trọng trong buổi khám.
- Bệnh nhân và người thân nên nói chuyện trước cuộc hẹn để chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra hoặc khi thông tin nhận được khác với dự kiến.
Lập danh sách các câu hỏi cụ thể về điều trị để hỏi bác sĩ
Khi nói chuyện với bác sĩ, hãy hỏi những điều làm bạn lo lắng hoặc quan tâm. Nếu không rõ câu trả lời, hãy yêu cầu bác sĩ giải thích theo cách mà bạn có thể hiểu được. Nếu bác sĩ quá bận rộn để trả lời, hãy thử hỏi thêm các bác sĩ khác hoặc điều dưỡng trong khoa. Sau đây là các câu hỏi về điều trị mà bệnh nhân có thể hỏi:
- Cần mang theo hồ sơ bệnh án gì khi đến điều trị?
- Có thể làm gì trước để chuẩn bị cho cuộc điều trị?
- Điều trị sẽ kéo dài bao lâu?
- Có thể tự đến bệnh viện điều trị và về nhà một mình không? Có nên đi cùng người khác không?
- Người nhà có thể ở bên cạnh bệnh nhân trong quá trình điều trị không?
- Có thể làm gì để bệnh nhân thoải mái hơn trong quá trình điều trị?
- Các tác dụng phụ của điều trị là gì?
- Sau khi điều trị, cần theo dõi những vấn đề gì? Khi nào nên gọi bác sĩ?
- Ai có thể giúp giải đáp thắc mắc về thủ tục bảo hiểm?
Nguồn: https://yhoccongdong.com
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để được bình luận!